TPHCM giải quyết vướng mắc về đất đai
Liên quan đến các bất cập trong việc cấp phép xây dựng, UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở QH-KT, Sở TN-MT, Sở Tư pháp và UBND các quận huyện có liên quan khẩn trương rà soát, nghiên cứu để có đề xuất hướng giải quyết cụ thể, báo cáo trình tập thể Thường trực UBND TP. Thành phố cũng gợi ý một số hướng giải quyết.
Cụ thể, đối với các trường hợp khu đất nhỏ, lẻ đã được cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin quy hoạch - kiến trúc, cấp giấy phép quy hoạch có nội dung khác với đồ án quy hoạch 1/2000 được duyệt, hoặc chưa cập nhật thông tin quy hoạch vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 được duyệt, nhưng không làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kiến trúc - quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung của đồ án quy hoạch được duyệt: Sở Xây dựng (hoặc UBND quận huyện - theo thẩm quyền) sẽ phối hợp với Sở QH-KT, UBND quận huyện liên quan để có ý kiến thống nhất và xem xét giải quyết cấp giấy phép xây dựng.
UBND các quận huyện có trách nhiệm phối hợp với Sở QH-KT thường xuyên thực hiện công tác rà soát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch các đồ án quy hoạch trên địa bàn theo luật định, để kịp thời có đề xuất lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch đối với các ô phố không còn phù hợp với kiến trúc cảnh quan, tình hình sử dụng đất hiện nay, hoặc đề xuất điều chỉnh tổng thể đồ án quy hoạch 1/2000 theo quy định, nhằm đảm bảo tính pháp lý về quy hoạch xây dựng và làm cơ sở cho việc xem xét cấp giấy phép xây dựng sau này.
Cao ốc hai bên rạch Thầy Tiêu, quận 7, Ảnh: THÀNH TRÍ
Đối với những trường hợp khu đất lớn, các dự án nhà ở, dịch vụ thương mại, công trình công cộng đã được cơ quan có thẩm quyền cung cấp thông tin quy hoạch - kiến trúc, cấp giấy phép quy hoạch có nội dung khác với đồ án quy hoạch 1/2000 được duyệt, hoặc chưa cập nhật thông tin quy hoạch vào đồ án quy hoạch 1/2000 được duyệt, có tác động, làm ảnh hưởng đến các chỉ tiêu kiến trúc - quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung của đồ án quy hoạch được duyệt: Trước khi cấp giấy phép xây dựng phải lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch (hoặc điều chỉnh tổng thể) và được phê duyệt theo quy định.
Đối với các trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới thì cần tuân thủ theo nội dung đồ án quy hoạch 1/2000 hoặc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch đã được duyệt. Riêng đối với các trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình có chức năng văn phòng, nhà ở kết hợp văn phòng, khách sạn, dịch vụ… nhưng không phù hợp với mục đích sử dụng đất (đất ở đô thị lâu dài) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, UBND TP yêu cầu nghiên cứu theo hướng giải quyết cấp giấy phép xây dựng nhưng không chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chỉ cập nhật mục đích sử dụng đất mới vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp, nhằm không làm ảnh hưởng đến quyền sở hữu, lợi ích của người dân.
Những vướng mắc đối với đất do Nhà nước quản lý trong các dự án (phần diện tích đất xen cài giữa các thửa đất, kênh, rạch), UBND TP giao Sở TN-MT tiếp tục nghiên cứu, phân loại, xác định quy mô và đề xuất phương án, quy trình, thủ tục xử lý, tham mưu trình UBND TP chậm nhất trong tháng 10 -2019.
UBNDTP giao Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cụ thể quy trình triển khai thực hiện, nhằm tháo gỡ vướng mắc trong việc xác định đối tượng tổ chức lập quy hoạch 1/500 của các dự án nhà ở trên địa bàn thành phố đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư, báo cáo trình tập thể Thường trực UBND TPHCM. Thành phố cũng hướng dẫn thực hiện theo 5 bước.
Bước 1: Lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư để chặt chẽ tính pháp lý về đất đai, đủ cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo của quy trình. Giao Sở KH-ĐT thành lập Tổ chuyên gia (gồm các sở ngành, quận huyện có liên quan) để xem xét, thẩm định hồ sơ, trình UBND TP ban hành quyết định chủ trương đầu tư.
Bước 2: Lập quy hoạch 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư lập quy hoạch trình Sở QH-KT thẩm định hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, trình UBND TP hoặc chuyển UBND quận huyện (theo thẩm quyền) xem xét phê duyệt quy hoạch theo quy định.
Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Giao Sở TN-MT tổ chức thực hiện theo quy định.
Bước 4: Lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất. Giao Sở TN-MT, Sở Tài chính tổ chức thực hiện theo quy định.
Bước 5: Lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng. Giao Sở TN-MT, Sở Xây dựng tổ chức thực hiện theo quy định.
Theo SGGP.ORG.VN