Tư vấn dịch vụ toàn quốc

Hướng Dẫn Áp Dụng TCVN 14177-1:2024; TCVN 14177-2:2024 - Tổ Chức Và Số Hóa Thông Tin Về Công Trình Xây Dựng (BIM)

23/01/2025

Bài viết này tập trung nêu ra một số nội dung quan trọng trong tài liệu hướng dẫn do Bộ Xây dựng cũng đã giao Tổng công ty Tư vấn xây dựng Việt Nam – CTCP nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn áp dụng hai tiêu chuẩn TCVN 14177-1:2024 và TCVN 14177-2:2024 đồng thời bám sát các nội dung trong bộ tiêu chuẩn ISO 19650 tương ứng. Hướng dẫn giúp hiểu rõ hơn khi áp dụng các tiêu chuẩn TCVN 14177-1:2024 và TCVN 14177-2:2024 tài liệu này có tiềm năng lớn trong việc hỗ trợ triển khai BIM cho các dự án xây dựng.

1. Các nội dung quan trọng trong TCVN 14177-1:2024 và TCVN 14177-2:2024

TCVN 14177-1:2024 tham khảo Phần 1 của ISO 19650. Tiêu chuẩn này đưa ra các “Khái niệm và nguyên tắc”, trong đó xác định các thuật ngữ liên quan đến BIM cũng như các cơ sở lý luận quan trọng nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong ngành xây dựng. Đồng thời, tiêu chuẩn này cũng làm rõ các nguyên tắc cơ bản trong quản lý thông tin của dự án xây dựng. Các nội dung quan trọng TCVN 14177-1:2024 có thể được tóm tắt như sau:

- Các nội dung về khái niệm và thuật ngữ quan trọng của BIM: TCVN 14177-1:2024 đưa ra các thuật ngữ và giải thích các thuật ngữ này một cách cụ thể và là tiền đề quan trọng cho quá trình triển khai BIM trong các dự án (các thuật ngữ và định nghĩa trong Điều 3 của TCVN 14177-1:2024).

- Các nội dung nền tảng cho BIM và chuyển đổi số trong ngành xây dựng (các nội dung trong Điều 4 của TCVN 14177-1:2024).

- Các khái niệm và nguyên tắc quan trọng để quản lý thông tin xây dựng và các nền tảng cần thiết khi thực hiện dự án theo BIM (các nội dung trong từ Điều 5 đến Điều 12 trong TCVN 14177-1:2024).

- Tiêu chuẩn TCVN 14177-1:2024 đưa ra các thuật ngữ, khái niệm, và nguyên tắc quan trọng liên quan đến mô hình hóa thông tin công trình (BIM). Các nội dung này tiếp tục được phát triển và chi tiết hơn trong các phần tiếp theo của bộ tiêu chuẩn, đảm bảo tính logic và hệ thống. Đồng thời, các thuật ngữ được xác lập sẽ hỗ trợ quá trình biên soạn các tài liệu liên quan đến BIM, chẳng hạn như hợp đồng, thỏa thuận và hướng dẫn triển khai cho các dự án xây dựng.

- Ngoài ra, trong TCVN 14177-1:2024 cũng có những nội dung liên kết và tham chiếu đến các tiêu chuẩn quốc tế khác như ISO-9001 Quản lý tổ chức (Organizational Management) ISO-5500 và ISO-21500 Quản lý tài sản & quản lý dự án (Asset & Project Management), nhằm đảm bảo tính hệ thống trong quản lý thông tin và dự án xây dựng.

- Điều 2 của tài liệu hướng dẫn này sẽ được cấu trúc theo các nội dung tổng quát ở trên và giải thích làm rõ theo trình tự tương ứng với các nội dung của tiêu chuẩn TCVN 14177- 1:2024 và TCVN 14177-2:2024.

2. Hướng dẫn thực hiện TCVN 14177-2:2024

- Các nguyên tắc và khái niệm cơ bản được quy định trong TCVN 14177-1 sẽ được phát triển tiếp trong TCVN 14177-2 và phần này tập trung vào các quá trình BIM tại giai đoạn chuyển giao tài sản.

- Phần 2 đề xuất các quá trình tiêu chuẩn các bước (stage) cần thiết để một dự án triển khai BIM thành công. Mối quan hệ của các bên tham gia và các nhóm làm việc được phân loại tại phần 1 được chi tiết hóa trong phần 2.

- Các bước thực hiện được chia làm 8 bước đi kèm với việc làm rõ các hoạt động thực hiện.

- Các bước được phân tách thành hai nhóm, nhóm phù hợp với cấp độ dự án (project) (bước 1 và bước 8) và nhóm phù hợp với cấp độ của thỏa thuận (appointment) (bước 2,3,4,5,6,7).

- Dự án có thể có nhiều thỏa thuận tương ứng với các bên thực hiện chính khác nhau, khái quát các bước có thể tham chiếu minh họa bảng 2 của tài liệu (ISO 19650 Guidance 2: Delivery phase (tài liệu hướng dẫn của UK)).

3. Quá trình thực hiện BIM và các bước cần thiết

- Khái quát quá trình chuyển giao thông tin tại giai đoạn hình thành tài sản xây dựng:

Khái quát quá trình chuyển giao thông tin tại giai đoạn hình thành tài sản xây dựngHình 1: Khái quát các bước chuyển giao thông tin

 

 

Bước 1. Đánh giá và xác định nhu cầu: Bước đầu tiên này bao gồm việc đánh giá các yêu cầu của dự án và xác định nhu cầu thông tin cụ thể để triển khai BIM thành công. Nó bao gồm xác định mục tiêu, yêu cầu thông tin, tiêu chuẩn BIM và quy trình.

Bước 2. Hồ sơ yêu cầu: Bước này tập trung vào việc lập thành văn bản các nhu cầu và yêu cầu thông tin cụ thể của các bên liên quan đến dự án, bao gồm cả yêu cầu thông tin của chủ đầu tư (EIR).

Bước 3. Hồ sơ đề xuất: Các nhà cung cấp tiềm năng hoặc các bên được chỉ định gửi đề xuất của họ, trong đó nêu rõ cách họ dự định đáp ứng các yêu cầu đã xác định và bàn giao dự án bằng cách sử dụng BIM.

Bước 4. Thỏa thuận: Giai đoạn này bao gồm việc thiết lập một thỏa thuận chính thức giữa chủ đầu tư và bên được chỉ định, xác định vai trò, trách nhiệm và sản phẩm bàn giao liên quan đến BIM.

Bước 5. Huy động nguồn lực: Bước này tập trung vào việc thu thập các nguồn lực cần thiết, bao gồm nguồn nhân lực, phần mềm và phần cứng, để thực hiện hiệu quả các quy trình BIM.

Bước 6. Hợp tác tạo lập thông tin: Giai đoạn này bao gồm việc phát triển và trao đổi thông tin hợp tác giữa các bên liên quan đến dự án bằng cách sử dụng các công cụ và quy trình làm việc BIM.

Bước 7. Chuyển giao mô hình thông tin: Bước này đề cập đến việc bàn giao chính thức mô hình thông tin cho chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu tài sản, đảm bảo nó đáp ứng các yêu cầu và tiêu chuẩn đã thống nhất.

Bước 8. Kết thúc (kết thúc giai đoạn chuyển giao): Bước cuối cùng này đánh dấu việc hoàn thành quy trình triển khai BIM cho giai đoạn chuyển giao tài sản, bao gồm việc kết thúc dự án và lập tài liệu.

 

4. Tổng hợp các hoạt động trong quá trình triển khai BIM

Tổng hợp diễn giải các bước thực hiện quá trình BIMHình 2 :Tổng hợp diễn giải các bước thực hiện quá trình BIM

5. Kết luận

Hướng dẫn này ở cấp độ khái niệm đã cung cấp tổng quan về cơ sở lý luận, ý tưởng và nguyên tắc liên quan đến bộ TCVN 14177. Hướng dẫn ở cấp độ quy trình đi kèm giải thích về cách áp dụng từng bước của TCVN 14177:2024-2 và hướng dẫn này nên được các học viên và những người triển khai bộ TCVN 14177 tham khảo trong một dự án, trong một thoả thuận hoặc trong một tổ chức. Tại thời điểm xây dựng hướng dẫn này, bộ TCVN 14177 vẫn còn mới mẻ đối với Việt Nam, vì vậy dự kiến khi đã có nhiều kinh nghiệm triển khai TCVN 14177 trong tương lai.

Hướng dẫn này sẽ được cập nhật để phản ánh thực tế áp dụng tại Việt Nam với việc nghiên cứu và tiếp thu bất cứ một đóng góp/phản hồi nào nhận được trong quá trình áp dụng bộ TCVN 14177.

Tải tài liệu hướng dẫn tại đây

Người viết: KSXD Lê Văn Nghĩa

Công ty CP Tư vấn Kiểm định Xây dựng Quốc Tế