Quan trắc biến dạng công trình là gì?
Hiện nay, quá trình xây dựng phát triển ngày càng mạnh, nhiều công trình nhà ở, nhà cao tầng cũng như các công trình đường sá, thủy lợi, công nghiệp… ngày càng được xây dựng nhiều. Do đó, vai trò của việc đo đạc quan trắc biến dạng, chuyển vị của công trình ngày càng trở nên quan trọng. Các số liệu, kết quả đo đạc quan trắc sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quan về chất lượng và độ an toàn của công trình, từ đó có thể đưa ra các phương án xử lý sớm nhất (nếu cần ).
Quan trắc biến dạng công trình là công tác rất quan trọng và cần thiết để đánh giá khả năng làm việc hiệu quả và độ ổn định của chất lượng nền móng nói riêng và tổng thể công trình nói chung so với các giá trị đã được tính toán theo thiết kế ban đầu, nhằm đảm bảo công trình được vận hành tối ưu và an toàn nhất, đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng làm việc một cách hiệu quả và bền vững theo thời gian.
Thông qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu rõ hơn về công tác quan trắc biến dạng công trình.
1. Khi nào cần quan trắc biến dạng công trình.
Căn cứ khoản 1, điều 16 Thông tư số 26/2016/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng “Trong quá trình khai thác, sử dụng, các công trình quy định tại Phụ lục VI Thông tư này và các công trình có dấu hiệu lún, nứt, nghiêng và các dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ công trình bắt buộc phải được quan trắc. Các bộ phận công trình cần được quan trắc là hệ kết cấu chịu lực chính của công trình mà khi bị hư hỏng có thể dẫn đến sập đổ công trình (ví dụ: dàn mái không gian, hệ khung chịu lực chính của công trình, khán đài sân vận động, ống khói, si lô,...)”.
Hình ảnh ICCI kiểm tra quan trắc công trình
2. Phân loại chuyển vị, biến dạng công trình.
- Chuyển vị công trình được định nghĩa là sự thay đổi về vị trí của công trình trong không gian so với vị trí ban đầu của nó. Dựa vào đó, có thể chia chuyển vị công trình thành các loại như sau:
+ Chuyển vị thẳng đứng: Là sự thay đổi vị trí của công trình theo phương thẳng đứng. Trong thực tế thi công, chúng ta vẫn quen gọi nó là độ lún của công trình. Công trình có thể bị trồi lên hoặc bị lún xuống.
+ Chuyển vị ngang: Là sự thay đổi vị trí công trình theo phương nằm ngang. Chuyển vị này có thể theo một hướng xác định hoặc cũng có thể theo hướng bất kỳ.
+ Chuyển vị nghiêng: Là sự kết hợp cùng lúc đồng thời cả 2 trường hợp chuyển vị đứng và chuyển vị ngang của công trình.
- Biến dạng công trình là sự thay đổi về hình dạng cũng như kích thước của công trình so với trạng thái ban đầu của nó. Đây là hậu quả tất yếu của việc chuyển vị không đều của công trình. Các biến dạng thường gặp là cong, nghiêng, vặn xoắn hoặc rạn nứt. Nếu công trình bị biến dạng nghiêm trọng thì có thể sẽ dẫn đến sự cố sập đổ bất cứ lúc nào.
- Để kiểm soát cũng như có một cái nhìn tổng quan về chuyển vị và biến dạng của công trình, cần được theo dõi và đánh giá trong một thời gian dài. Và phương pháp quan trắc bằng trắc địa là một trong những biện pháp để theo dõi được vấn đề này.
3. Mục đích, nhiệm vụ của việc quan trắc chuyển vị, biến dạng công trình:
- Dựa vào các dạng chuyển vị, chúng ta cũng có các công tác quan trắc tương ứng:
+ Quan trắc lún;
+ Quan trắc ngang;
+ Quan trắc nghiêng;
- Việc quan trắc được tiến hành theo một chương trình cục thể nhằm phục vụ cho các mục đích sau:
+ Xác định độ chuyển dịch tuyệt đối và tương đối của công trình so với các giá trị tính toán theo thiết kế. Là cơ sở để tìm ra nguyên nhân chuyển vị và mức độ nguy hiểm của chúng đối với quá trình làm việc bình thường của công trình. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp phù hợp phù hợp nhằm phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra;
+ Xác định các thông số đặc trưng cần thiết về độ ổn định của công trình;
+ Dùng làm số liệu kiểm tra các phương pháp tính toán thiết kế;
+ Nghiên cứu, đánh giá quy luật biến dạng trong các điều kiện khác nhau và đưa ra dự đoán biến dạng của công trình trong tương lai;
+ Xác định các loại biến dạng có thể ảnh hưởng đến quá trình vận hành của công trình.
- Việc quan trắc biến dạng công trình phải đường tiến hành thường xuyên và liên tục trong quá trình thi công xây dựng công trình và kết thúc khi độ chuyển vị của công trình đạt được sự ổn định tốc độ chuyển dịch công trình.
- Các số liệu quan trắc và các biểu hiện bên ngoài của công trình sẽ chứng minh cho khả năng hoạt động ổ định và bình thường của các kết cấu trên công trình là đủ điều kiện tiên quyết để Chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận công trình đủ điều kiện đảm bảo an toàn chịu lực.
Hãy liên hệ ngay với ICCI qua Hotline tư vấn toàn quốc - 0903994577 - dungtvkd@icci.vn - icci@icci.vn nếu công trình của Quý khách hàng đang cần kiểm định nhà xưởng, kiểm định xây dựng công trình, hoặc gặp sự cố không mong muốn trong quá trình thi công, sử dụng hoặc cần tư vấn các vấn đề liên quan đến xây dựng – Với năng lực và kinh nghiệm của mình, ICCI sẽ đem lại chất lượng và giá trị kinh tế cao nhất cho Quý khách hàng.
Tham khảo thêm:
Năng lực hoạt động xây dựng của ICCI
Quy trình kiểm định chất lượng công trình xây dựng ICCI
Thiết bị ICCI phục vụ kiểm định chất lượng công trình
Dịch vụ kiểm định kết cấu nhà xưởng
Kiểm định kết cấu công trình xây dựng
Người viết: KSXD Nguyễn Đức Trọng