TCVN 9334:2012 Bê Tông Nặng – Phương Pháp Xác Định Cường Độ Nén Bằng Súng Bật Nẩy
TCVN 9334:2012 dùng để xác định độ đồng nhất và cường độ nén của bê tông nặng trong kết cấu bằng súng bật nẩy. Lưu ý tiêu chuẩn này không áp dụng trong các trường hợp sau đây:
- Đối với bê tông có cường độ nén dưới 10 MPa và trên 50 MPa;
- Đối với bê tông dùng các loại cốt liệu lớn có kích thước trên 40 mm (Dmax > 40mm);
- Đối với bê tông bị nứt, rỗ hoặc có các khuyết tật;
- Đối với bê tông bị phân tầng hoặc là hỗn hợp của nhiều loại bê tông khác nhau;
- Đối với bê tông bị hóa chất ăn mòn và bê tông bị hỏa hoạn;
- Không được dùng tiêu chuẩn này thay thế yêu cầu đúc mẫu và thử mẫu nén.
TCVN 9334:2012 chuyển đổi từ TCXDVN 162:2004 thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
TCVN 9334:2012 do Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
MỤC LỤC TCVN 9334:2012
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Các yêu cầu chung
4 Các yêu cầu súng bật nẩy và quy định khi thí nghiệm
5 Kiểm tra, đánh giá cường độ và độ đồng nhất của bê tông ở hiện trường
6 Báo cáo thí nghiệm
Phụ lục A Xác định phương trình quan hệ R-n và ví dụ xây dựng biểu đồ quan hệ R-n
Phụ lục B Xác định độ lệch bình phương trung bình S và hệ số biến động cường độ bê tông V
Phụ lục C Hệ số ảnh hưởng của độ ẩm và tuổi
Phụ lục D Tính năng và phạm vi sử dụng của một số loại súng bật nẩy thông dụng
Xem chi tiết tiêu chuẩn TCVN 9334:2012 tại đây
2. Hướng dẫn Kiểm tra, đánh giá cường độ và độ đồng nhất của bê tông ở hiện trường
2.1 Công tác kiểm tra, đánh giá cường độ và độ đồng nhất của bê tông bằng các loại súng bật nẩy cần tiến hành theo 5 bước:
a) Xem xét bề mặt của sản phẩm hoặc kết cấu, phát hiện các khuyết tật (vết nứt, rỗ, …) nhận xét sơ bộ chất lượng bê tông;
b) Thu thập các thông số kỹ thuật của sản phẩm hoặc kết cấu, mác thiết kế, thành phần bê tông, ngày chế tạo, công nghệ thi công, chế độ bảo dưỡng bê tông và sơ đồ chịu lực của kết cấu công trình;
c) Lập phương án thí nghiệm;
d) Chuẩn bị, tiến hành thí nghiệm và lập bảng ghi kết quả thí nghiệm;
e) Xác định cường độ và độ đồng nhất bằng các số liệu của thí nghiệm.
2.2 Có thể kiểm tra toàn bộ sản phẩm hoặc kiểm tra chọn lọc theo lô.
- Nếu lô chỉ có 3 cấu kiện thì kiểm tra toàn bộ.
- Nếu lô có trên 3 cấu kiện thì có thể kiểm tra chọn lọc hoặc toàn bộ sản phẩm.
Lưu ý: Khi kiểm tra chọn lọc phải kiểm tra ít nhất 10 % số lượng sản phẩm trong lô nhưng không ít hơn 3 sản phẩm.
2.3 Căn cứ sơ đồ chịu lực của cấu kiện để chọn các vùng thí nghiệm nhưng nhất thiết phải thí nghiệm ở những vị trí xung yếu của cấu kiện.
a) Khi kiểm tra lô cấu kiện (kiểm tra chọn lọc hoặc toàn bộ) thì mỗi cấu kiện được thí nghiệm ít nhất ở 6 vùng.
b) Khi kiểm tra từng cấu kiện riêng biệt, cần thí nghiệm ít nhất 12 vùng và phải thỏa mãn điều kiện sau:
- Đối với cấu kiện mỏng và khối (tấm, panen, blốc, móng, …) cần thí nghiệm không ít hơn 1 vùng trên 1m2 bề mặt của cấu kiện được kiểm tra;
- Đối với cấu kiện, kết cấu thanh (dầm, cột, …) cần thí nghiệm không ít hơn 1 vùng trên 1 m dài của cấu kiện được kiểm tra.
2.4 Kiểm tra và đánh giá độ đồng nhất của bê tông trong cấu kiện và kết cấu:
- Độ đồng nhất của bê tông được đặc trưng bằng độ lệch bình phương trung bình S và hệ số biến động cường độ bê tông V.
- Việc kiểm tra, đánh giá độ đồng nhất của bê tông đối với cấu kiện, kết cấu riêng lẻ hoặc lô cấu kiện kết cấu được tiến hành theo phụ lục B của Tiêu chuẩn TCVN 9334:2012.
- Độ đồng nhất của cường độ bê tông trong cấu kiện, kết cấu riêng lẻ hoặc lô cấu kiện, kết cấu ở thời điểm kiểm tra bị coi là không đạt yêu cầu, nếu hệ số biến động của cường độ bê tông V vượt quá 20 %. Việc sử dụng những cấu kiện, kết cấu này phải được phép của cơ quan thiết kế.
2.5 Đánh giá cường độ bê tông của các cấu kiện kết cấu:
Việc đánh giá cường độ bê tông được thực hiện bằng cách so sánh cường độ trung bình của cấu kiện, kết cấu (Rk) hoặc của lô cấu kiện, kết cấu (Rl), nhận được khi thí nghiệm so với cường độ trung bình yêu cầu của bê tông (Ryc). Cường độ trung bình yêu cầu của bê tông được xác định theo hệ số biến động của cường độ bê tông V và số vùng kiểm tra P trên cấu kiện, kết cấu riêng lẻ, hay số vùng kiểm tra N với lô cấu kiện, kết cấu.
Giá trị của cường độ trung bình yêu cầu được lấy như sau:
- Khi kiểm tra cấu kiện, kết cấu riêng lẻ lấy theo Bảng 2. Nếu kiểm tra lô cấu kiện, kết cấu (toàn bộ hay chọn lọc) lấy theo Bảng 3.
- Cường độ bê tông của cấu kiện, kết cấu hoặc lô cấu kiện, kết cấu là đạt yêu cầu, nếu thỏa mãn điều kiện sau:
+ Khi kiểm tra cấu kiện, kết cấu riêng lẻ: RK ≥ Ryc
+ Khi kiểm tra toàn bộ cấu kiện, kết cấu trong lô: Rl ≥ Ryc
+ Khi kiểm tra chọn lọc các cấu kiện, kết cấu trong lô: RK ≥ Ryc
3. Báo cáo thí nghiệm
Báo cáo kết quả thí nghiệm xác định cường độ bê tông của cấu kiện, kết cấu gồm các nội dung sau:
- Đối tượng thí nghiệm;
- Ngày thí nghiệm;
- Tên kết cấu, cấu kiện;
- Cường độ thiết kế;
- Phương pháp thí nghiệm, thiết bị thí nghiệm, các thông số kỹ thuật;
- Tiêu chuẩn áp dụng;
- Sơ đồ vị trí thí nghiệm;
- Bảng ghi kết quả thí nghiệm