Tư vấn dịch vụ toàn quốc

Cắt điện công trình sai phép: Có đúng luật?

11/04/2021

Dù đánh giá việc cắt điện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng là đúng nhưng phía điện lực lại lo ngại có thể dẫn tới làm sai luật

Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) vừa có văn bản gửi UBND TP HCM báo cáo về việc thực hiện chỉ đạo của UBND TP yêu cầu ngừng cung cấp điện đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 51 Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5.

Chỉ cắt điện khi có quyết định cưỡng chế

Trong văn bản, EVNHCMC cho biết khi UBND TP có quyết định cưỡng chế việc xây dựng sai phép tại công trình số 51 Nguyễn Chí Thanh, tổng công ty sẽ chỉ đạo Công ty Điện lực Chợ Lớn phối hợp với các đơn vị cưỡng chế thực hiện cắt điện để bảo đảm an toàn cho người, thiết bị và hệ thống điện theo quy định của Bộ Công Thương về điều kiện, trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, lãnh đạo EVNHCMC cho biết vào ngày 12-8, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn. Trong đó, có giao nhiệm vụ cho tổng công ty không cung cấp điện đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, trước đó vào tháng 5-2016, Bộ Công Thương đã có hướng dẫn yêu cầu các đơn vị điện lực không được ngừng cấp điện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Xây dựng theo như quy định tại khoản 3 điều 7 Thông tư số 30/2013/TT-BCT.

"Do đó, tổng công ty đã có văn bản báo cáo Sở Tư pháp TP về những hạn chế trong công tác phối hợp giữa điện lực với cơ quan quản lý nhà nước khi xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Đồng thời, báo cáo đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương có quy định về việc đơn vị điện lực được ngừng cung cấp dịch vụ điện trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định Luật Xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng" - ông Phạm Quốc Bảo, Tổng Giám đốc EVNHCMC, thông tin.

Cụ thể, EVNHCMC đề nghị tập đoàn chấp thuận cho EVNHCMC không cấp điện cho khách hàng (đối với những trường hợp cấp điện mới) khi có văn bản thông báo của các cấp chính quyền về việc xây dựng không phép, sai phép, trái phép nhằm hỗ trợ địa phương về công tác quản lý trật tự đô thị. Song song đó, bổ sung hướng dẫn ngành điện không giải quyết cấp điện đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong trình tự, thủ tục cấp điện khi tập đoàn hiệu chỉnh bộ quy trình kinh doanh trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, đề xuất EVN kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng xem xét có quy định về việc đơn vị điện lực ngừng cung cấp dịch vụ điện trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định Luật Xây dựng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng.

Cắt điện công trình sai phép: Có đúng luật? - Ảnh 1.

Công trình xây dựng không phép tại xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM bị cưỡng chế, tháo dỡ. Ảnh: LÊ PHONG

Còn lợn cợn

Là địa phương có tình trạng xây dựng sai phép, không phép diễn ra hết sức phức tạp, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP HCM, đánh giá việc ngưng cung cấp điện đối với những công trình sai phép khi chưa tiến hành cưỡng chế là giải pháp tốt nhằm nâng cao việc chấp hành của người dân. "Lâu nay khi ban hành quyết định xử lý sai phạm về trật tự xây dựng, chính quyền địa phương có đề xuất qua công ty điện lực và cấp nước đề nghị hỗ trợ ngưng cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, hai đơn vị không đồng tình và đưa ra các quy định rằng việc cắt điện, nước là trái luật. Bởi giữa người sử dụng và phía công ty không vi phạm các hợp đồng ký kết. Do đó, người dân mặc nhiên sinh hoạt và chuyển nhượng mua bán" - ông Tuấn Anh nêu.

Lãnh đạo UBND phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP HCM cũng đồng tình với việc áp dụng ngưng cung cấp điện, nước để ngăn chặn xây dựng trái phép ngay từ đầu, vừa tránh được sự cố cháy, nổ nguy hiểm đe dọa tính mạng. Tiếp đó, nếu chủ công trình cố tình vi phạm thì nên ngăn chặn mọi thủ tục về đăng bộ, mua bán nhà đất liên quan đến công trình đó.

Đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết Thanh tra Xây dựng của sở từng đề nghị EVNHCMC hỗ trợ ngưng cung cấp điện đối với các công trình chây ì, không chịu khắc phục sự cố xây dựng sai phép. Tuy nhiên, phía điện lực yêu cầu phải có ý kiến từ Phòng Cảnh sát PCCC hoặc các đơn vị khác cùng đưa ra kết luận "nguy hiểm đến tính mạng khi xảy ra cháy nổ". Điển hình như chung cư Bảy Hiền Tower (quận Tân Bình, TP HCM) từng bị cưỡng chế cắt điện do chủ đầu tư chưa xây dựng hoàn thiện, vật liệu xây dựng để ngổn ngang nhưng đã cho người dân vào ở. Sau đó, chủ đầu tư đã chấp hành việc tháo dỡ và hoàn thiện những công trình theo giấy phép đã cấp. "Cắt điện được xem là giải pháp chế tài mạnh tay để người vi phạm chấp hành đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, các bên phải có cuộc họp để đưa ra các mức độ vi phạm trước khi đi đến quyết định ngưng cấp điện. Chẳng hạn sẽ cho một khoảng thời gian ngắn nhất định để chủ công trình tự giác chấp hành, nếu không thực hiện mới áp dụng biện pháp ngưng cấp điện" - đại diện cơ quan quản lý xây dựng TP thông tin.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho rằng đề nghị ngưng cung cấp dịch vụ điện là không đúng so với quy định pháp luật. Bởi công ty điện lực là đơn vị bán, còn người sử dụng là đơn vị mua. Cả hai bên có ký kết hợp đồng giao dịch dân sự. Ngoài ra, điện, nước là hai nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Do đó, chỉ ngưng cung cấp dịch vụ khi thấy công trình xây dựng không bảo đảm an toàn cháy, nổ; không thể cắt điện khi phát hiện xây dựng sai phép, không phép. Bởi làm cách này dễ xảy ra tình trạng thiếu trách nhiệm giám sát từ cơ quan chức năng ở địa phương. "Tại sao khi vừa bắt đầu xây dựng, cơ quan chức năng không ngăn chặn hoặc giám sát quá trình xây dựng, chờ đến khi hoàn thành mới dùng các công cụ pháp luật để chế tài?" - luật sư Minh đặt vấn đề và cho rằng trong trường hợp này phải xem xét trách nhiệm cơ quan quản lý. 

Theo EVNHCMC, việc triển khai các giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP là chủ trương đúng của TP và rất cần thiết trong điều kiện vi phạm xây dựng trên địa bàn diễn ra khá nhiều. “Trong thời gian chờ hướng dẫn của EVN, tổng công ty đã có văn bản chỉ đạo các công ty điện lực thành viên phối hợp, hỗ trợ chính quyền nhưng phải trên cơ sở nghiên cứu kỹ và bảo đảm thực hiện đúng theo quy định của Luật Điện lực” - vị lãnh đạo của EVNHCMC cho hay.

Theo Thanh Nhân - Lê Phong