Tư vấn dịch vụ toàn quốc

Nguyên tắc chung để giám sát chất lượng vật liệu xây dựng

11/04/2021

Vật liệu xây dựng là thành phần quan trọng tạo nên chất lượng công trình xây dựng. Vật liệu xây dựng rất đa dạng về chủng loại. Để đảm bảo được chất lượng công trình xây dựng, cần kiểm tra, giám sát chất lượng chúng khi đưa vào sử dụng.

1.1. Yêu cầu và các bước giám sát

Việc kiểm tra giám sát chất lượng vật liệu trong thi công và nghiệm thu công trình là một trong các hoạt động chính của công tác quản lý chất lượng xây dựng. Việc quản lý chất lượng xây dựng nói chung và vật liệu xây dựng nói riêng phải tuân theo qui định của nhà nước thể hiện trong Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 17/2000QĐ-BXD ngày 02/08/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Trong đó có một số điều khoản cần lưu ý đối với việc giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình như sau:

Yêu cầu của công tác giám sát (điều 14) là phải tiến hành thường xuyên, liên tục, có hệ thống nhằm ngăn ngừa các sai phạm kỹ thuật đảm bảo việc nghiệm thu khối lượng và chất lượng các công tác xây lắp của nhà thầu được thực hiện theo thiết kế được duyệt, Quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng, các qui định về an toàn lao động và phù hợp với hợp đồng giao nhận thầu.

Trách nhiệm giám sát được qui định theo các giai đoạn thi công (điều 17):

a. Giai đoạn chuẩn bị thi công:

Kiểm tra danh mục, qui cách, chủng loại và tính năng của vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị sẽ sử dụng trong công trình do nhà thầu xây lắp lập.

b. Giai đoạn thực hiện thi công:

Kiểm tra vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng tại hiện trường; không cho phép đưa vật liệu , cấu kiện, sản phẩm xây dựng không phù hợp với tiêu chuẩn về chất lượng và qui cách vào sử dụng trong công trình. Khi cần thiết, phải lấy mẫu thí nghiệm kiểm định chất lượng và các tính năng của vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng

c. Giai đoạn hoàn thành xây dựng công trình

Kiểm tra, tập hợp toàn bộ hồ sơ pháp lý và tài liệu quản lý chất lượng đối với công trình. Như vậy, tuân thủ theo Quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng ban hành kèm theo Quyết định 17/2000QĐưBXD, việc kiểm tra giám sát chất lượng vật liệu phải đạt được mục đích ngăn ngừa sai phạm là chính và cần được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Kiểm tra chất lượng vật liệu trước khi thi công;

Bước 2: Giám sát sử dụng vật liệu trong quá trình thi công;

Bước 3: Nghiệm thu tài liệu quản lý chất lượng vật liệu sau khi thi công.

Bước 1 và bước 3 áp dụng cho tất cả các loại vật liệu. Bước 2 áp dụng cho các loại vật liệu thay đổi hoặc có tính chất chỉ hình thành hoàn chỉnh trong và sau quá trình thi công.

1.2. Căn cứ để giám sát

Căn cứ pháp lý và kỹ thuật mà người kỹ sư lấy làm chuẩn để giám sát là: Yêu cầu của thiết kế; Các tiêu chuẩn, quy phạm, tài liệu kỹ thuật được duyệt và các yêu cầu riêng của chủ đầu tư.

1.2.1. Yêu cầu của thiết kế

Các yêu cầu chính về vật liệu thường được thể hiện trực tiếp trên bản vẽ (ví dụ: bê tông C30 MPa, cốt thép CII Ra = 300 N/mm2 ...), các yêu cầu khác có thể được chỉ dẫn tuân thủ theo một số tiêu chuẩn quy phạm hoặc tài liệu kỹ thuật biên soạn riêng.

1.2.2. Tiêu chuẩn, quy phạm, tài liệu kỹ thuật

+ Tiêu chuẩn, quy phạm.

• Khi thiết kế chỉ định trực tiếp trên bản vẽ.

Ví dụ: Thép CIII TCVN 1651-85; thép SD 490 JIS G 3112-91… thì giám sát vật liệu được thực hiện theo các tiêu chuẩn thiết kế quy định.

• Khi thiết kế không chỉ định trực tiếp trên bản vẽ.

Khi đó giám sát vật liệu được thực hiện theo quy tắc:

Thiết kế kết cấu theo tiêu chuẩn quốc gia nào thì vật liệu được kiểm tra giám sát theo tiêu chuẩn quốc gia đó.

+ Tài liệu kỹ thuật

Ở một số công trình lớn, đặc biệt là công trình nước ngoài thiết kế theo tiêu chuẩn nước ngoài, người thiết kế có thể soạn thảo các tài liệu kỹ thuật riêng dưới dạng trích yếu các nội dung, yêu cầu chính từ các tiêu chuẩn, quy phạm cần được áp dụng. Tài liệu này là thông tin chung về yêu cầu của người thiết kế. Cách làm này tránh được việc ghi quá nhiều yêu cầu trên một bản vẽ và lặp lại một thông tin trên nhiều bản vẽ.

Một vài ví dụ:

  • Specification for concrete work (điều kiện cho công tác bê tông)
  • Specification for grouting (điều kiện cho công tác vữa rót)
  • Điều kiện kỹ thuật công tác sản xuất bê tông thuỷ điện Hoà bình ...

Thực chất tài liệu kỹ thuật cũng là sự tập hợp các tiêu chuẩn quy phạm xây dựng dưới dạng rút gọn. Đây cũng là căn cứ bắt buộc phải áp dụng cho công tác giám sát.

1.2.3. Yêu cầu riêng của chủ đầu tư

Thông thường, trong nhiệm vụ BQLDA giao cho bộ phận kỹ thuật trực thuộc hoặc trong hợp đồng giao cho một tổ chức giám sát khác thì yêu cầu chính vẫn là đảm bảo việc giám sát thi công thực hiện theo thiết kế đưọc duyệt, phù hợp tiêu chuẩn, quy phạm hoặc tài liệu kỹ thuật được duyệt.

Bên cạnh đó chủ đầu tư có thể đặt ra một số yêu cầu riêng buộc công tác thi công phải tuân thủ. Các yêu cầu này thường căn cứ vào điều kiện thực tế của công trình, làm thành các văn bản quy định riêng không trái với tiêu chuẩn quy phạm và yêu cầu thiết kế.

Ví dụ: Cũng là thực hiện công việc thi công bê tông C30, chủ đầu tư có thể yêu cầu một số hoặc tất cả các hạng mục phải sử dụng bê tông thương phẩm hoặc bêtông bơm hoặc quy định nguồn vật tư cung cấp đạt chất lượng gần điểm thi công để đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án, v.v... . Đây cũng là căn cứ kỹ thuật để giám sát.

Tóm lại: Căn cứ pháp lý, kỹ thuật để giám sát là tập hợp các yêu cầu kỹ thuật của thiết kế, các tiêu chuẩn, quy phạm hoặc tài liệu kỹ thuật cần được áp dụng và một số yêu cầu riêng của chủ đầu tư.

 

Công ty CP Tư vấn Kiểm định Xây dựng Quốc Tế

Tác giả / Nguồn: PGS. TS. Cao Duy Tiến