An toàn lao động trong tổ chức công trường xây dựng
Tổ chức thi công trên công trường là yếu tố quyết định đến việc công trình đó có được thi công liên tục, đúng tiến độ và an toàn hay không. Nếu công tác tổ chức thi công không hợp lý thì có thể dẫn tới các công việc thi công bị chồng chéo về tiến độ hoặc về mặt bằng thi công .v.v. Đó là các nguyên nhân gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn tới tai nạn lao động trên công trường.
Khoản 1 Điều 3 Thông tư 04/2017/TT-BXD quy định về quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình đã nêu rõ: “An toàn lao động trong thi công xây dựng công trình là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại nhằm bảo đảm không làm suy giảm sức khỏe, thương tật, tử vong đối với con người, ngăn ngừa sự cố gây mất an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng công trình.”
Vậy, vấn đề tổ chức thi công trên công trường ảnh hưởng đến công tác an toàn lao động như thế nào? Chúng ta sẽ cũng phân tích và tìm hiểu ngay sau đây.
I. AN TOÀN LAO ĐỘNG KHI LẬP VÀ THỰC HIỆN TIẾN ĐỘ THI CÔNG
1. Khái niệm về tiến độ thi công
- Đối với một dự án xây dựng, tiến độ thi công là một phần không thể thiếu được, nó giúp cho công trình có thể được đưa vào sử dụng đúng thời điểm mà chủ đầu tư mong muốn và quyết định sự thành công hay thất bại của một dự án xây dựng. Tiến độ thi công công trình bao gồm các tiến độ của những giai đoạn thành phần như: phần ngầm, phần thân và phần hoàn thiện,…
- Tiến độ trong mỗi một giai đoạn thi công đó phụ thuộc vào các biện pháp thi công được lập, kết hợp với các yêu cầu kỹ thuật xây dựng của biện pháp thi công đó, năng lực của nhà thầu và khả năng cung cấp vật tư, nguyên vật liệu…
- Nếu tiến độ thi công không hợp lý, ví dụ: công trình phải hoàn thành quá nhanh, thì có thể xảy ra mất an toàn lao động trong quá trình thi công, như:
+ Vi phạm qui trình công nghệ thi công (tháo ván khuôn sớm khi bê tong chưa đủ cường độ) dẫn tới kết cấu bị nứt, vỡ hoặc sập đổ.
+ Bên thi công phải thuê thêm máy, thuê thêm nhân công, hoặc bố trí làm thêm ca, thêm giờ, dẫn tới mặt bằng thi công quá chật, công nhân phải làm đêm, ảnh hưởng tới sức khoẻ .v.v. Đó chính là những nguy cơ có thể gây ra tai nạn lao động trên công trường.
Do vậy, cần hết sức chú ý tới vấn đề an toàn lao động trong khi lập và thực hiện tiến độ thi công.
2. An toàn lao động khi lập và thực hiện tiến độ thi công
- Dựa trên các yêu cầu kỹ thuật của từng công việc, cần chú ý đến trình tự và thời gian thi công các công việc đó. Cụ thể là không được rút ngắn thời gian thực hiện một công việc nào đó mà chưa xét tới ảnh hưởng của nó tới cường độ hoặc sự ổn định của các cấu kiện và cả hệ kết cấu công trình, cũng như ảnh hưởng của nó tới các công việc khác.
- Xác định các tuyến (đoạn) công tác sao cho việc di chuyển các tổ đội công nhân là ít nhất trong một ca, hạn chế nguy cơ gây tai nạn khi công nhân phải di chuyển nhiều trên công trường.
- Để tránh va chạm các công việc theo phương thẳng đứng, không được bố trí công việc ở các tầng khác nhau trên cùng một phương thẳng đứng.
- Nếu tổ chức thi công theo phương pháp dây chuyền trên các phân đoạn để đảm bảo sự làm việc nhịp nhàng giữa các tổ đội công nhân, tránh chồng chéo, cản trở và có thể gây tai nạn.
II. AN TOÀN LAO ĐỘNG TRONG THIẾT KẾ MẶT BẰNG THI CÔNG
1. Khái niệm về thiết kế mặt bằng thi công
- Thiết kế mặt bằng thi công có thể được hiểu là việc tính toán và thể hiện sự sắp xếp vị trí các bộ phận của công trường trong khu vực xây dựng sao cho việc thi công được tiến hành liên tục, đảm bảo vệ sinh và an toàn lao động.
- Khi thiết kế mặt bằng thi công, phải xác định các vị trí nhà làm việc, lán trại công nhân, các công trình tạm, kho hoặc bãi vật liệu, vị trí đặt máy và thiết bị thi công, đường ra vào công trường cho người, cho máy, đường cung cấp điện, nước,… sao cho hợp lý. Nếu việc này làm không tốt, như bố trí đường giao thông quá hẹp khiến cho xe hoặc máy thi công đi lại khó khăn, dẫn tới có khả năng va chạm giữa chúng với nhau hoặc va chạm với các bộ phận của công trình và gây tai nạn lao động.
- Do đó, thiết kệ mặt bằng thi công hợp lý cũng là một trong những biện pháp để đảm bảo an toàn lao động.
2. An toàn lao động trong thiết kế mặt bằng thi công
- Một số điểm cần chú ý khi thiết kế mặt bằng thi công công trình là:
+ Công trường phải có hàng rào để ngăn cách với bên ngoài, đảm bảo an ninh bên trong phạm vi công trường. Khi công trường gần đường giao thông thì hàng rào phải là loại kín để người từ bên ngoài cũng không nhìn được vào bên trong công trường – là nguyên nhân gián tiếp gây tai nạn lao động và tai nạn giao thông do họ mất tập trung khi làm việc và khi đi đường.
+ Văn phòng làm việc, lán trại của cán bộ và công nhân nên đặt ở đầu hướng gió chủ đạo.Còn các kho, bãi vật liệu, xưởng gia công phụ trợ và khu vệ sinh nên đặt ở cuối hướng gió này.
+ Đường đi lại cho xe và thiết bị thi công phải đủ rộng và nên bố trí thành các đường một chiều có bề rộng tối thiểu là 4m, còn nếu bố trí đường hai chiều thì tối thiểu là phải rộng 7m. Các đường đi lại hạn chế giao nhau.
+ Kho vật liệu trên công trường phải bố trí ở những nơi bằng phẳng và thoát nước tốt. Cần phải có những vị trí để phục vụ công tác bốc dỡ.
+ Bãi vật liệu rời trên công trường phải được xếp gọn gàng, không gây cản trở đi lại – tốt nhất là nên phân thành từng khu riêng biệt.
+ Trạm biến thế điện trên công trường phải có rào ngăn và biển báo. Các cầu dao điện, cầu chì hoặc thiết bị đóng cắt điện phải có hộp, khoá và được đặt ở nơi khô ráo. Đường dây điện phải được treo cách mặt đường đi lại ít nhất là 5m. Điện động lực và điện sinh hoạt phải tách thành hai hệ thống riêng.
+ Cần phải có bể chứa và đường ống cung cấp đủ nước cho sinh hoạt, phục vụ các công việc như đổ bê tong, xây hoặc trát,… và chữa cháy.
+ Ban đêm phải bố trí đèn bảo vệ, đặc biệt là tại các kho bãi, hoặc đèn báo tại khu vực có các hố đào, mương hoặc rãnh…
+ Hệ giàn giáo phải có hệ thống thu sét nếu không được liên kết với hệ thống tiếp đất của công trình.
+ Phải có các thiết bị chữa cháy như bình cứu hoả tại văn phòng làm việc, lán trại, các kho vật liệu và ngay tại công trình đang được xây dựng.