Tư vấn dịch vụ toàn quốc

Nội dung công tác thẩm tra dự toán công trình có vốn đầu tư nước ngoài

11/04/2021

Quy định thẩm tra dự toán công trình có vốn nước ngoài được Chính Phủ và Bộ Xây Dựng quy định như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu hướng dẫn nội dung công tác thẩm tra công trình có nguồn vốn nước ngoài được Bộ Xây Dựng hướng dẫn.

THẨM TRA DỰ TOÁN CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Trên thị trường Xây dựng Việt Nam hiện nay có rất nhiều dự án sử dụng vốn vay từ nước ngoài. Nguồn vốn nước ngoài được vay từ các tổ chức tài chính quốc tế và viện trợ song phương giữa hai chính phủ - chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước phát triển. Các nguồn vay này thường được sử dụng để đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu công cộng như các công trình giao thông, năng lượng, cấp thoát nước, xử lý môi trường...

Các dự án có vốn vay nước ngoài đều có đặc điểm chung là các dự án đều do các Nhà tư vấn nước ngoài lập. Đối với các công trình có vốn đầu tư nước ngoài được vay từ nguồn vốn của các tổ chức tài chính quốc tế, các nhà tư vấn do các tổ chức tài chính quốc tế chỉ định; nguồn vốn vay của Chính phủ nào thì dự án lập do các Nhà tư vấn của nước đó được chỉ định lập. Trong bài này không đề cập đến các dự án có nguồn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế, mà chỉ đề cập về những dự án có vốn đầu tư nước ngoài là vốn vay của các Chính phủ phát triển do các Nhà tư vấn nước cho vay lập. Các dự toán của các dự án này thường có những vấn đề mà những người thẩm tra dự toán các công trình này cần lưu ý và cân nhắc khi tiến hành công tác thẩm tra.

Hướng dẫn nội dung thẩm tra dự toán công trình có vốn đầu tư nước ngoài:

1. Người đại diện tổ chức tư vấn nước ngoài tại Việt Nam:

- Người đại diện thường là người có nhiệm vụ giao dịch với các cơ quan Việt Nam để dự án nhanh chóng được triển khai nên khi có vấn đề cần trao đổi về thiết kế hoặc dự toán thì không thể thay mặt các nhà Tư vấn trực tiếp giải quyết mà thường chờ ý kiến của các Nhà tư vấn ở nước ngoài do vậy thường mất rất nhiều thời gian. Ở đây, một vấn đề mà người thẩm tra cần quan tâm phải qua trung gian là đại diện nhà tư vấn nước ngoài tại Việt Nam rồi các ý kiến mới chuyển cho các tư vấn trực tiếp tính toán giải quyết tại nước cho vay vốn và kết quả trả lời cũng qua trung gian như vậy.

2. Tài liệu do Chủ đầu tư chuyển sang thẩm tra:

- Các tài liệu thường không dịch sang tiếng Việt, chỉ dịch phần dự toán (nếu người thẩm tra yêu cầu) còn chỉ dẫn kỹ thuật, bản vẽ thiết kế thường để tiếng Anh đôi khi còn cả tiếng nước thứ ba (nước cho vay vốn). Chất lượng bản dịch nhiều khi cũng không đảm bảo chất lượng do chưa dịch sát với chuyên môn kinh tế. Vì vậy, khi thẩm tra dự toán, người thẩm tra phải biết chuyên môn sâu về kinh tế mà còn phải thông thạo ngoại ngữ (tiếng Anh) mới có thể nắm bắt và xử lý được các chi tiết thiết kế, giá cả mà các Nhà tư vấn nước ngoài đưa.

3. Thiết kế:

- Các công trình thường được thiết kế cơ sở theo tiêu chuẩn của nước cho vay vốn và thường là các công trình chỉ thiết kế phần kết cấu (thiết kế cơ bản của công trình) và lập dự toán cũng theo quy định của nước ngoài; loại đồng tiền để tính cũng là tiền tại nước cho vay, nghĩa là người thiết kế trực tiếp không đến nước cần xây dựng công trình mà thiết kế tại nước của họ, nên trong các bản vẽ thiết kếthường không đềcập đến các vấn đề cụthể liên quan đến nơi cần xây dựng công trình (ví dụ chưa có thiết kế về nền móng công trình để tính chính xác khối lượng đất đào, đất đắp hay một số công tác chỉ ghi ký hiệu chiều dài, 1 chiều rộng, chiều cao (l;r; h) mà không có kích thước cụ thể do họ chưa nắm rõ module thiết kế của nước cần xây dựng công trình).

- Trong bản thiết kế cơ sở chỉ thiết kế mô tả các công tác chính cần chú ý nhưng không đưa ra biện pháp thi công cụ thể, khi tính dự toán tư vấn nước ngoài cũng tính tại nước đó và chuyển tài liệu sang Việt Nam. Theo nguyên tắc khi công trình có vốn đầu tư nước ngoài được xây dựng tại Việt Nam, tổ chức tư vấn thiết kế nước ngoài liên danh với công ty tư vấn thiết kế Việt Nam để thiết kế bổ sung những vấn đề liên quan đến các tiêu chuẩn trong nước và thiết kế chi tiết theo tiêu chuẩn của Việt Nam nhưng những dự án kiểu này thường không thiết kế lại ở Việt Nam có thể do họ có ưu thế “Nhà cho vay vốn đầu tư”.

4. Dự toán:

- Như phần thiết kế đã nêu, thiết kế cụ thể của công tác chưa có mà chỉ đưa ra mô tả các công tác chính để thi công, không đưa ra kích thước cụ thể (dự toán các công tác xây lắp này do tư vấn nước ngoài lập). Trong trường hợp này xảy ra hai vấn đề: có thể công tác đó tại nước cho vay vốn đã có hệ thống modul chuẩn, tiêu chuẩn đo bóc chuẩn, có bảng giá chuẩn nên đưa được giá chính xác hoặc công tác đó chi phí mở để các nhà tư vấn tuỳ theo điều kiện để tính giá, thường trong trường hợp này khi tính toán các nhà tư vấn tính giá rất cao, vì vậy người thẩm tra dự toán cần phải kiểm tra cẩn thận, phải yêu cầu nhà tư vấn thiết kế tuân thủ các tiêu chuẩn Việt Nam và tính chi phí theo đúng quy định hiện hành tại Việt Nam.

- Do lập dự toán ở nước ngoài nên các nhà tưvấn thường tính chi phí vật tư và vận chuyển đến Việt Nam, chi phí nhân công và ca máy thi công theo giá tại nước cho vay vốn rồi tính các khoản thuế và lệ phí... nên chi phí thường không phù hợp. Trong trường hợp này, các nhà thẩm tra phải rà soát cẩn thận xem những vật tư, nhân công và máy thi công đã có ở Việt Nam yêu cầu nhà tưvấn phải sửdụng hợp lý vật tư, nhân công, máy thi công trong nước đúng quy định theo quy định hiện hành Việt Nam.

- Các công trình do tư vấn nước ngoài thiết kế và lập dự toán thường sử dụng công nghệ xây dựng mới – đó là một ưu điểm để ngành Xây dựng phát triển; vì là công nghệ mới nên các nhà tư vấn thường tính theo giá độc quyền của nước cho vay vốn, khi yêu cầu tư vấn nước ngoài mô tả công nghệ thi công nhà tư vấn thường từ chối vì công tác này do một số công ty độc quyền thi công nên ngay khi thi công nhà thầu nước ngoài cũng giữ bí quyết thi công (người nước ngoài giám sát và thi công phần công tác chính) và máy thi công tính lãi nhập khẩu. Do vậy đối với những công tác này, việc xác định được giá chính xác thường rất khó khăn. Đối với công tác này người thẩm tra dự toán công trình cần yêu cầu nhà tư vấn lập một phương án nếu mua máy mới tại nước cho vay vốn và tính các chi phí vận chuyền về Việt Nam và tính các chi phí vận chuyển ca máy thi công tại Việt Nam. Mục đích đưa ra cách tính này là để so sánh chi phí giữa thuê ca máy và nhà thầu nhập máy để thi công thì phương án nào hiệu quả, để từ đó đề nghịnhà tư vấn giảm giá hoặc có phương án thay đổi phạm vi áp dụng công nghệ mới.

- Trong công tác thẩm tra dự toán do tư vấn nước ngoài lập, người thẩm tra cần chú ý đến các biện pháp thi công khi áp dụng công nghệ mới, trong các trường hợp này Nhà tư vấn thường tính ở "độ an toàn cho công trình rất cao” có công trình thời gian thi công cả công trình là 22 tháng nhưng tư vấn tính biện pháp chống đỡ một công tác trong thi công công trình đến 24 tháng. Trong trường hợp này các nhà thẩm tra phải yêu cầu Nhà tư vấn và Chủ đầu tư phải xem xét, cân nhắc tính thời gian cho hợp lý.

- Trong công tác thẩm tra dự toán các công trình có vốn đầu tư nước ngoài thường thấy các khoản chi phí của nhà thầu tại hiện trường được để ở một khoản riêng và lập thành một dự toán. Trong trường hợp này người thẩm tra cần xem xét, kiểm tra lại theo các quy định của Việt Nam để đánh giá sự hợp lý.

- Trong công tác thẩm định dự toán các công trình nước ngoài cần quan tâm đến các khoản thuế mà nhà tư vấn tính vào công trình xem có phù hợp theo quy định hiện hành của Việt Nam không, chú ý kiểm tra thuế do tư vấn của nước ngoài tính có trùng với các khoản thuế đã tính theo quy định của Việt Nam không.

- Trong công tác thẩm định dự toán các công trình nước ngoài cần quan tâm đến loại đồng tiền trong tính dự toán có phù hợp với hiệp định vay vốn giữa hai chính phủ không, kết quả thẩm định nên tính theo 3 loại tiền: đôla, tiền VNĐ và tiền của nước cho vay vốn.

Công tác thẩm tra dự toán các công trình nước ngoài tại Việt Nam là một công tác rất khó và phức tạp nhưng là việc phải làm để đảm bảo công trình có giá hợp lý. Qua những nội dung đã trình bày trên cho ta thấy Nhà nước cũng cần có sự thống nhất để quản lý chặt chẽ nguồn vốn này; cần được tổng kết, đánh giá để hoàn thiện và đồng bộ các cơ chế chính sách từ khâu đàm phán, ký kết hợp đồng đến khâu thanh quyết toán đưa công trình vào khai thác sử dụng.

 

Người viết: KSXD. Bùi Văn Thái

Công ty CP Tư vấn Kiểm định Xây dựng Quốc Tế